Bệnh dại ở chó hiện nay khá phổ biến và căn bệnh này hiện không có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, khi chó đã mắc phải căn bệnh này hầu hết đều có nguy cơ tử vong khá cao. Dưới đây, cùng Laputa Farm tìm hiểu chi tiết về biểu hiện, nguyên nhân và đặc biệt là cách phòng tránh căn bệnh quái ác này xảy ra trên chú cún cưng nhà bạn nhé!
Bệnh dại ở chó là gì?
Bệnh dại ở chó được biết do một loại virus thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Loại virus này thường được tìm thấy trên toàn cầu. Chúng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương của chú chó nhà bạn và đa số sẽ dẫn đến tử vong.
Và căn bệnh dại được xem là một trong những căn bệnh khiến những người nuôi thú cưng lo lắng vì không chỉ gây ra ảnh hưởng đến cơ thể, sức khỏe của chúng mà có thể gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh nếu không may bị cắn.
Biểu hiện bệnh dại ở chó
Bệnh dại ở chó thể hiện ở sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó, chẳng hạn như:
- Cắn khi không bị trêu chọc, dễ bị kích động
- Chán ăn hoặc ăn những thứ khác thường như gậy, móng tay …
- Chạy mà không có lý do rõ ràng
- Thay đổi trong âm thanh: sủa khàn và gầm gừ, sủa không ra tiếng
- Tiết quá nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép
- Thay đổi thói quen, tâm tính thường ngày
Dấu hiệu thể dại điên cuồng ở chó
Thời kỳ tiền lâm sàng: chó trốn vào góc tối, khu vực kín đáo. Đến gần chủ một cách miễn cưỡng hoặc ngược lại, tỏ ra vồn vã thái quá. Thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi hoặc bồn chồn…
Thời kỳ điên cuồng:
- Chó dễ bị kích động, cắn sủa người lạ dữ dội. Quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài.
- Nơi vết thương bị cắn nổi ngứa khiến chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu.
- Chó bỏ ăn, khó nuốt, sốt cao, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử. Có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không uống được.
- Chó chảy nước dãi nhiều, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt. Cắn vu vơ hay giật mình. Đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ.
- Con vật bỏ nhà đi và thường không trở về. Trên đường đi gặp vật gì lạ cũng gặm cắn, ăn bừa bãi, tấn công chó khác và cả người.
Thời kỳ bại liệt:
- Chó bị liệt. Liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, không nuốt được thức ăn, nước uống. Chân sau liệt ngày càng rõ.
- Chó chết trong khoảng từ 3 – 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Nguyên nhân do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.
- Thể dại điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp chó dại, số còn lại là thể dại câm.
Dấu hiệu thể dại câm ở chó
Không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như trên, ở thể dại câm chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Chó có thể bị bại liệt ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra ngoài. Nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.
Quá trình này tiến triển khá nhanh, chỉ từ 2 – 3 ngày vì hành tủy của con vật bệnh bị virus tác động làm rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp sớm hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh dại
Nguyên nhân gây ra bệnh dại chính là virus Rhabdo. Một loại virus tác động trực tiếp lên hệ thần kinh. Nó thường ẩn sâu trong cơ thể của các loài động vật máu nóng. Chẳng hạn như dơi, chồn, chó, mèo hoặc một số loài động vật khác.
Với căn bệnh này thường lây truyền chủ yếu qua 2 con đường chính là trực tiếp và gián tiếp.
- Trực tiếp: Bệnh dại bị lây nhiễm khi cún cưng nhà bạn bị cắn hay bị thương bởi các loài động vật bị mắc bệnh khác.
- Gian tiếp: Chó nhà bạn có thể bị virus xâm nhập qua các vết thương hở, chưa lành bị tiếp xúc với nước bọt hay dịch có chứa Lyssavirus.
Nước bọt của những loài động vật bị bệnh dại có thể lây truyền khi tiếp xúc với giác mạc, mắt của chó.
Virus sau khi lây truyền sẽ cố gắng tiếp cận đi vào hệ thần kinh trung ương như não và tủy sống để gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm soát thần kinh của chó nhà bạn.
Có thể bạn quan tâm: Chó bị nấm da: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Thời gian ủ bệnh dại ở chó là bao lâu?
Thời gian ủ bệnh của chó dại là khoảng thời gian từ khi chó tiếp xúc mầm bệnh đến khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên. Trên chó thời gian ủ bệnh có thể là 10 ngày hoặc 1 năm, nhưng trung bình thì từ 2 tuần đến 4 tháng.
Thời gian xuất hiện các triệu chứng chó bị dại phụ thuộc vào các yếu tố dưới đây:
- Vị trí lây nhiễm: Vết cắn càng gần não và tuỷ sống thì virus sẽ càng nhanh đến mô thần kinh và thời gian phát bệnh sẽ nhanh hơn.
- Mức độ nghiêm trọng của vết cắn: Vết cắn càng sâu, càng nặng thì càng nguy hiểm hơn.
- Lượng virus do vết cắn lây lan và sinh sản: Vết cắn càng lâu hoặc thời gian tiếp xúc với nước bọt chó dại nhiều thì lượng virus lây truyền và sinh sôi sẽ càng tăng.
Cách điều trị bệnh dại ở chó
Đối với chó đã tiêm phòng dại thì bạn nên tiêm mũi nhắc lại sau khi nghi ngờ chó bị nhiễm virus dại. Đối với các chú chó chưa tiêm phòng dại thì không có phương pháp điều trị nào có thể cứu chữa.
Nếu đã xác định chó bị dại thì điều tốt nhất nên làm chính là an tử cho chó, điều này sẽ giúp chúng không phải chịu sự đau đớn cũng như bảo vệ an toàn cho người và động vật khác.
Cách phòng tránh bệnh dại cho chó
Theo các tổ chức thú ý thế giới thì đây là loại bệnh không thể chữa được. Do đó, chỉ có thể trang bị được những kiến thức và biện pháp phòng tránh cho chú cún nhà bạn.
- Tiêm chủng dại định kỳ mỗi năm một lần kể từ khi chó nhà bạn được 3 tháng tuổi.
- Không cho chó tiếp xúc với động vật hoang dã. Nếu cho chó ra ngoài thì cần phải có sự giám sát của chủ.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở của chú chó nhà bạn luôn thông thoáng và sạch sẽ để hạn chế sự xâm nhập và tấn công của các loại virus.
- Thường xuyên khử trùng các vật dụng, đồ chơi của chó để hạn chế các vật trung gian truyền bệnh.
- Nếu bạn phát hiện chú chó mắc bệnh dại thì nên cách ly chúng để tránh sự lan truyền cho các chú chó còn lại.
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh dại ở chó
Cách chẩn đoán bệnh dại ở chó
Hiện tại chưa có xét nghiệm bệnh dại ở động vật đang sống, xét nghiệm này chỉ thực hiện được khi chó bị dại đã chết. Vì vậy chủ nuôi cần theo dõi các triệu chứng và hành vi của chó thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời.
Sau khi chó chết có thể xét nghiệm mô não của chó để xác định lần nữa nguyên nhân gây chết và tiến hành hướng điều trị cho động vật bị lây nhiễm virus dại.
Cần làm gì khi chó bị động vật mang virus dại cắn?
Nếu chú chó của bạn đã được tiêm ngừa dại đầy đủ thì hãy tiêm nhắc lại vaccine dại cho chúng. Nếu chó chưa được tiêm ngừa đầy đủ thì bạn nên để chó vào chuồng hoặc xích chó ở một nơi riêng và quan sát biểu hiện của chó trong vòng 10 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
Cần làm gì khi người bị chó dại cắn?
Đầu tiên, bạn nên rửa kỹ vết thương với xà phòng ngay lập tức và dùng nước khử trùng để lau sạch lần hai. Nếu bạn đã tiêm phòng đầy đủ thì hãy đến gặp bác sĩ được hướng dẫn tiêm phòng lại. Nếu bạn chưa tiêm phòng đầy đủ thì hãy lập tức đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và có phác đồ điều trị đúng cách.
Có hai cách để điều trị người nhiễm virus dại tùy theo tình trạng vết cắn, tình trạng của động vật dại và đáp ứng miễn dịch của người tiêm.
- Dùng vaccine dại tế bào Verorab, có tác dụng bảo vệ từ 2-8 tuần.
- Dùng huyết thanh kháng dại giúp trung hòa bớt virus và làm giảm nồng độ virus.
Chó bị dại có chữa được không?
Không, thông thường chó bị dại sẽ chết trong vòng 10 ngày sau khi nhiễm virus, nếu chó bị dại thì việc tốt nhất là nên tiêm an tử cho chó.
Hy vọng với thông tin mà Laputa Farm gửi đến bạn về bệnh dại ở chó sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình nhận biết và chăm sóc cũng như phòng bệnh cho chú cún nhà mình. Để lại bình luận bên dưới nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp nhé!
Có thể bạn quan tâm về nguyên nhân và cách điều trị chó bị viêm gan: https://laputafarm.com/cho-bi-viem-gan/